Chẩn đoán và điều trị tụt canxi chó mèo

Chẩn đoán phân biệt Co giật do hạ Canxi

Trong thực tế lâm sàng, có nhiều trường hợp mèo hoặc chó co giật, dễ chẩn đoán nhầm là tụt canxi, trong khi thực chất lại là ngộ độc. Nếu xử trí sai – truyền canxi cho ca ngộ độc – thì hậu quả có thể vô cùng nghiêm trọng.

Vì vậy, dưới đây là quy trình tư duy 3 bước giúp phân biệt đúng nguyên nhân:


Bước 1: Phân biệt ĐỘNG KINH và CO GIẬT

  • Động kinh:
    → Có tiền sử từng bị
    → Mỗi cơn thoáng qua, kéo dài chỉ vài chục giây đến vài phút, sau đó tỉnh lại bình thường.

  • Co giật cấp tính:
    → Mới xảy ra gần đây, thường trong vòng 4–8 giờ gần nhất
    → Không dừng lại được, có thể co liên tục, kéo dài hàng giờ
    → Đây mới là nhóm cần phân biệt tiếp: trúng độc hay tụt canxi?

Bước 2: Kiểm tra tình trạng SINH LÝ – có mang thai/cho con bú hay không?

  • Không mang thai, không cho bú
    → Khả năng trúng độc cao
    → Tuyệt đối không truyền canxi
    → Nếu truyền nhầm → nguy cơ: tăng nhịp tim, xuất huyết nội, co giật dữ dội hơn (đã phân tích ở phần trước)

  • Có mang thai hoặc đang cho bú
    → Khả năng cao làtụt canxi, nhưng vẫn có thể bị trúng độc song song
    → Cần bước tiếp theo để phân biệt rõ

Bước 3: THỬ CANXI – để CHẨN ĐOÁN (không phải điều trị)

Khi nghi ngờ giữa tụt canxi hay trúng độc, và đang mang thai/cho bú
→ Có thể dùng canxi để thử, theo nguyên tắc:

  • Truyền liều thấp hơn bình thường: khoảng 1/4 đến 1/3 liều điều trị tiêu chuẩn (ví dụ: canxi gluconate 1cc/kg thì truyền thử 0.25–0.3cc/kg)

  • Truyền chậm, theo dõi kỹ trong 3–5 phút sau khi truyền

Diễn biến sau thử canxi – cách đọc tình huống:

Biểu hiện sau truyền thử canxi Kết luận
Co giật giảm rõ, cơ mềm ra, chi giác dần phục hồi Do tụt canxi → truyền điều trị đầy đủ
Co giật nặng hơn hoặc không cải thiện Nghi ngờ trúng độc → NGỪNG truyền canxi ngay

Tác hại của chẩn đoán nhầm Trúng độc và Tụt canxi

Ví dụ thực tế:

Em vừa gặp một ca mèo hơn 1 tuổi, được chủ đưa đến trong tình trạng co giật, thở gấp, thè lưỡi.
Chủ nghi ngờ mèo ăn bả chuột ngoài đồng.

Tình huống như vậy rất phổ biến. Dấu hiệu co giật có thể khiến bác sĩ nghĩ đến tụt canxi, nhất là nếu là con cái, nghi đang cho bú. Nhưng nếu thực chất là trúng độc, việc truyền canxi nhầm sẽ gây ra 3 hậu quả nghiêm trọng sau đây:

Ví dụ điển hình: Chẩn đoán nhầm → Truyền canxi cho ca ngộ độc

  1. Con vật bị co giật → Bác sĩ nghĩ đến tụt canxi

  2. Tiêm truyền canxi ngay lập tức

  3. Nhưng thực chất, con vật đang bị ngộ độc
    → Hậu quả nguy hiểm sẽ xảy ra nếu truyền canxi trong ca trúng độc.


Ba hậu quả nghiêm trọng khi truyền canxi cho ca bị ngộ độc

1. Tác động lên tim

  • Canxi làm tăng điện thế màng → tim đập nhanh, nhạy cảm hơn

  • Trong ca ngộ độc, tim đã yếu → nếu bị “ép làm việc nhiều hơn”, có thể dẫn đến:
    Tăng nhịp tim quá mức
    Rung nhĩ
    Ngưng tim, trụy tim

2. Xuất huyết toàn thân

  • Tim co bóp mạnh → tăng áp lực mạch máu

  • Trong khi thành mạch đã tổn thương do độc tố → dễ vỡ

  • Hậu quả:

    • Xuất huyết phổi (phù phổi, ho ra máu)

    • Chảy máu mũi

    • Xuất huyết tiêu hóa (dạ dày, ruột)

    • Xuất huyết nội tạng âm thầm → chết trước khi kịp thấy biểu hiện ra ngoài

Nhiều trường hợp, con vật chưa kịp đi phân ra máu, nhưng máu đã đầy ruột rồi, và con vật chết âm thầm vì vỡ mạch máu nội tạng.

3. Tăng kích thích thần kinh – co giật dữ dội hơn

  • Canxi làm thần kinh mẫn cảm hơn → phản xạ co giật tăng

  • Đang bị ngộ độc thần kinh mà tiêm thêm canxi thì chẳng khác nào… “đổ thêm dầu vào lửa”


Điều trị

Lưu ý: Chỉ truyền Canxi qua đường tĩnh mạch
  • Hầu hết trường hợp tụt Canxi là do chó mang thai cho con bú → Trường hợp này chỉ cần truyền Canxi qua đường tĩnh mạch
  • Các trường hợp khác cần điều trị nguyên nhân trước, chỉ số Canxi sẽ tăng trở lại

Kết luận

  • Chẩn đoán nhầm giữa trúng độc và tụt canxi rất nguy hiểm

  • Quy trình 3 bước (phân loại – sinh lý – thử canxi) là cách đơn giản, hiệu quả và an toàn nhất

  • Đừng vội vàng truyền canxi nếu chưa chắc chắn, đặc biệt là trong những ca không mang thai hoặc không cho con bú


Nếu có câu hỏi và thắc mắc nào, hãy liên lạc ngay với EduVET – Sđt/Zalo 08 6712 6712 để được giải đáp nhanh và chính xác nhất!

Tài liệu tham khảo

  • Yu ASL, et al. (2020). Electrolyte and acid-base disorders in critically ill patients. N Engl J Med.

  • Stahl C, et al. (2019). Hypercalcemia-induced cardiac arrhythmias: Mechanisms and management. Journal of Electrocardiology.

  • DiBartola SP. (2020). Fluid, Electrolyte, and Acid-Base Disorders in Small Animal Practice (5th Ed.). Elsevier.

  • Thực hành lâm sàng thú nhỏ – EduVET

Để lại bình luận

Scroll
Messenger Messenger
Google Map Google Map
Zalo Zalo
Gọi ngay Gọi ngay