Cơ chế hình thành
Viêm tử cung (pyometra) là tình trạng nhiễm trùng tử cung nghiêm trọng, thường gặp ở chó mèo cái chưa triệt sản, đặc biệt sau thời kỳ động dục. Bệnh thường phát sinh do ảnh hưởng kéo dài của hormone progesterone trong giai đoạn diestrus. Progesterone làm tăng tiết dịch nhầy, làm dày lớp nội mạc tử cung, giảm nhu động tử cung và tạo điều kiện lý tưởng cho vi khuẩn xâm nhập và phát triển.
Các vi khuẩn thường gặp bao gồm: Escherichia coli, Staphylococcus spp., Streptococcus spp., Klebsiella spp., Proteus spp. và Pseudomonas spp.
Triệu chứng lâm sàng
-
Dạng hở: Âm hộ tiết dịch mủ có mùi, con vật liếm liên tục vùng sinh dục.
-
Dạng kín: Bụng chướng, không tiết dịch, dễ nhầm với chướng hơi hoặc có thai.
-
Các dấu hiệu toàn thân gồm: mệt, chán ăn, sốt, tăng khát nước và đi tiểu nhiều, lừ đừ.
-
Trường hợp nặng có thể dẫn đến nhiễm trùng huyết và tử vong.
Chẩn đoán
-
Siêu âm ổ bụng: Nhận thấy tử cung giãn rộng, chứa dịch.
-
Xét nghiệm máu: Bạch cầu tăng, dấu hiệu viêm rõ rệt.
-
Xét nghiệm nước tiểu: Kiểm tra chức năng thận và phát hiện nhiễm trùng tiết niệu đi kèm.
Hướng điều trị
1. Điều trị nội khoa (chỉ áp dụng cho dạng hở, vật nuôi còn khả năng sinh sản và đáp ứng tốt)
-
Kháng sinh: Ampicillin 22 mg/kg mỗi 8 giờ. Điều chỉnh theo kháng sinh đồ sau nuôi cấy (7–14 ngày).
-
Truyền dịch: NaCl 0,9% hoặc Glucose 5%.
-
Kháng viêm: Dexamethasone 0,1% với liều 1 ml/20 kg thể trọng/ngày.
-
Prostaglandin F2α tự nhiên hoặc Cloprostenol:
-
Liều khởi đầu: 1/2 liều khuyến cáo, sau tăng dần theo ngày để giảm phản ứng phụ.
-
Cloprostenol: 0,001–0,005 mg/kg/ngày, dùng liên tục 2–3 tuần cho đến khi âm hộ hết tiết dịch.
-
-
Không sử dụng Oxytocin: Vì thuốc gây co bóp tử cung mạnh, có thể dẫn đến vỡ tử cung trong trường hợp thành tử cung mỏng và có nhiều mủ tích tụ.
-
Bổ sung vitamin:
-
Vitamin C: Chó 50–100 mg/kg/ngày, mèo 25–50 mg/kg/ngày.
-
Vitamin K: 1–2,5 mg/kg mỗi 12–24 giờ, tiêm bắp hoặc tiêm dưới da.
-
2. Điều trị ngoại khoa (áp dụng với dạng kín hoặc dạng hở không đáp ứng điều trị nội khoa)
-
Cắt bỏ tử cung và buồng trứng (OVH): Là lựa chọn tối ưu, đặc biệt với những ca không còn nhu cầu sinh sản hoặc tình trạng bệnh tiến triển nặng.
Theo dõi sau điều trị
-
Theo dõi sát thân nhiệt, tình trạng âm hộ, chỉ số máu và mức độ ăn uống.
-
Đảm bảo đủ nước và điện giải, sử dụng thuốc hỗ trợ gan, kháng sinh sau mổ theo chỉ định.
-
Tái khám định kỳ sau 3–5 ngày hoặc khi có dấu hiệu bất thường.
Nếu có câu hỏi và thắc mắc nào, hãy liên lạc ngay với EduVET để được giải đáp nhanh và chính xác nhất!
Tài liệu tham khảo
-
Canine Pyometra: A Short Review of Current Advances – PubMed
-
Medical Management of Pyometra – WSAVA 2019
-
Canine Pyometra: Pathogenesis, Therapy and Clinical Cases – VIN
-
Pyometra in Small Animals 2.0 – Veterinary Clinics
-
Merck Veterinary Manual – Reproductive Disorders in Dogs and Cats